Saturday, December 15, 2012

Lễ hội chùa Hương – lễ hội Hà Nội hành hương về chốn tâm linh

Lễ hội chùa Hương – lễ hội Hà Nội hành hương về chốn tâm linh
Link Media

Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội Hà Nội nổi tiếng và cũng là một trong những lễ hội Việt Nam lớn nhất. Lễ hội chùa Hương diễn ra ở Chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km và là nơi có động Hương Tích, danh lam nổi tiếng của Việt Nam. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, lễ hội chùa Hương được xem như là hành trình về một miền đất Phật – nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn, cùng với lễ hội chùa Yên Tử và lễ hội chùa Bái Đính là những lễ hội gây được tiếng vang lớn ở miền Bắc, thể hiện ở sự quá tải số lượng các phật tử, du khách tham gia hành hương.

Chùa Hương là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo bao gồm núi, đồi, hang, động, suối rừng, chùa tháp…Theo tâm thức của người Việt Nam, Hương Sơn được coi là cõi Phật. Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm.
Lễ hội chùa Hương kéo dài từ 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình Hà Nội – Hà Ðông – Vân Ðình – Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý ngược dòng sông Ðáy lên Bến Ðục – Yến Vĩ – Hương Sơn.
Hội trải rộng trên 4 tuyến: tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn, tuyến Long Vân và tuyến Thanh Sơn. Các tuyến trong khu thắng cảnh Hương Sơn cụ thể gồm:
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài
- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm
- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn
Hiện tại Ban quản lý khu thắng cảnh Hương Sơn đã xây dựng hệ thống cáp treo, từ ga Thiên Trù lên động Hương Tích. Nhưng vào ngày lễ hội hệ thống này trở thành quá tải, lượng người sắp hàng đông đúc. Hiện Ban quản lý đã có phân làn người xếp hàng để tránh cảnh chen chúc, mất trật tự khi mua vé và lúc vào cáp treo.
Ngày 6 tháng giêng Âm lịch là ngày khai hội, lễ hội chùa Hương có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.
Phần Lễ chùa Hương thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về “thiền”. Ở chùa Ngoài thì thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “Tì nữ Túy Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 Âm lịch (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.
Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian khi vào hội. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng với thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới – hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn.
Trẩy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp của biết bao hình sông thế núi ở Hương Sơn, Hà Nội, có cơ hội nhận biết bao công trình lớn nhỏ đặc sắc của di tích Hương Sơn đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc.

No comments:

Post a Comment