Saturday, December 15, 2012

Nhìn từ lễ hội chùa Hương 2012: Giải pháp cho những tồn tại

Nhìn từ lễ hội chùa Hương 2012: Giải pháp cho những tồn tại

Mùa lễ hội 2012 đã khởi đầu. Nhưng chỉ qua một số khai hội đã bộc lộ những tồn tại kéo dài từ nhiều năm và nếu không giải quyết dứt điểm, e rằng hoạt động lễ hội ngày càng mất đi ý nghĩa và tính chất linh thiêng của nó.

Kiểm soát vé bán

Số lượng khách trẩy hội chùa Hương ngày càng tăng và năm nay thực sự quá tải đến mức báo động, nhất là ngày khai hội. Đông đến mức một đoàn của Sở Thông tin - Truyền thông về kiểm tra lễ hội cũng không vào nổi động Hương Tích. Lễ hội Yên Tử cũng tắc nghẽn đường lên chùa Đồng dù chưa đến ngày khai hội. Và hình ảnh từng dãy người nhích từng bước một xếp hàng lên cáp treo đã là chuyện thường ngày...

Việc quá tải tại các lễ hội đã làm nhiều du khách trở nên mệt mỏi và mất đi tính chất linh thiêng của ngày hội nhất là khi việc lễ bái chen chúc nhau, xô đẩy nhau và ai cũng cốt chen vào lễ cho nhanh để rồi chui ra... Chưa kể việc đông quá mức lượng người sẽ làm xâm hại đến danh thắng, di tích, gây hậu quả trước mắt và lâu dài.

Để tránh tình trạng đó, ban tổ chức lễ hội nhất thiết phải tiến hành kiểm soát, khống chế lượng vé bán ra, tăng cường bán vé trên mạng. Dùng công nghệ vi tính, tính toán lượng người tối đa cho không gian hội để đảm bảo không quá tải, tắc nghẽn.

Không thể vì lợi nhuận mà bán vé vô tội vạ cũng như cho người dân thoải mái mua sắm đò chở khách tuỳ thích. Hệ thống cáp treo cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, hạn chế số vé bán ra và đảm bảo số người quy định cho mỗi cabin.

Niêm yết giá và kiểm soát chặt

Chuyện đi đò chùa Hương đã là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm. Lợi dụng tâm lý khách du xuân tâm trạng vui vẻ, chủ đò cứ nài tiền, thậm chí sừng sộ với khách để nhét đầy túi tham.

Rồi chuyện giá bán cắt cổ khách tại nhiều lễ hội khác đã diễn ra từ nhiều năm mà BTC thường chỉ giải quyết vụn vặt, tạm thời. Duy có lễ hội đền Hùng là thực hiện tương đối tốt vấn đề niêm yết giá tại các quán hàng từ nhiều năm nay.

Các lễ hội khác cần làm nghiêm chuyện niêm yết giá tại các quán hàng và thường xuyên có người của bên quản lý thị trường cũng như bên BTC lễ hội kiểm tra và xử phạt tại chỗ những nơi làm sai quy định.

Đó là chưa kể việc nên thường xuyên kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đã có không ít người bị ngộ độc thức ăn tại các hàng quán mùa hội...

Quy định về đồ cúng lễ

Hình ảnh phản cảm tại nhiều lễ hội là việc ăn uống tràn lan ăn uống tràn lan ngay tại gần cửa đền, chùa. Khách mang đồ lễ mà phần nhiều là thịt, rượu và sau khi vào cúng lễ là mang ra “thụ lộc” ăn uống tràn lan làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng của hội.
Nên chăng quy định đồ cúng lễ chỉ nên là hoa quả (hạn chế), cũng như thắp nhang vừa đủ, tránh tạo ra sự nhộn nhạo, xô bồ nơi cửa Phật.

Làm sạch không gian lễ hội

Việc phân bổ bố trí hàng quán ẩm thực, các khu vui chơi phải hợp lý, tránh để tràn lan bừa bãi xâm lấn vào không gian thiêng của hội. Nên tham khảo và học tập cách tổ chức không gian tại nhiều lễ hội, điểm tham quan tại các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia...
Nhất thiết phải xóa sạch nạn cờ bạc núp bóng các trò chơi dân gian, cũng như ngăn cấm việc bày bán các đồ chơi súng ống nhựa tại các điểm lễ hội.

Nên hạn chế số lượng lễ hội và thời gian hội

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng, việc bung ra tổ chức quá nhiều lễ hội gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Nên chọn lọc, phân ra quy mô không gian, thời gian lễ hội (quy mô vùng, miền, cả nước) để bỏ bớt những lễ hội không cần thiết, giữ lại những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng như tính toán lại thời gian cho phù hợp ngay như lễ hội chùa Bái Đính năm nay quyết định kéo dài đến 3 tháng thực sự có cần thiết không?

No comments:

Post a Comment